top of page

Sống chung an lạc P2

  • Writer: Pea
    Pea
  • Mar 20
  • 8 min read

Updated: Mar 25

Chap 2: Những lo lắng trước khóa tu và những gì con được học, được nhớ

Con sẽ thành thật rằng, con bước vào khóa tu với một cơ thể và tâm trí không mấy khỏe mạnh. Con đã làm việc nhiều hơn vào cuối tuần trước đó để cố gắng thu xếp những công việc cá nhân, đã ngủ không đủ, … cộng thêm với hội chứng “room changing” sẵn có, nên 2 ngày đầu của khóa tu có những khi con đã ngủ gật gù.



Thày con có buổi chia sẻ ngay trong buổi chiều đầu tiên của khóa tu. Sau đó chúng con được về với gia đình pháp đàm của mình, con ngơ ngác hỏi các bạn đồng tu, chúng ta sẽ đi theo ai, các bạn nói đi theo Thày mình, Thày mà khi nãy nói í. Thật là tội lỗi vì trong suốt buổi Thày nói chuyện, con không được nhìn thấy Thày, con không biết theo Thày là theo Thày nào, con ngồi ở một góc khuất của chậu hoa lan trắng. Thày nói gì con cũng chưa nghe được, con còn mải ngáp ngủ và nhìn ngắm bé gái phía trước, con chỉ nhớ một câu Thày chia sẻ “ngày xưa mỗi khi Thày nhìn thấy Thày tu, thì Thày lại nghĩ chắc là có đám đâu đó rồi”. 😄


Dạ, con đã bắt đầu sự nghiệp tu học của mình như vậy đó ạ.


May mắn thay, con đã tỉnh thức vào những giây phút quan trọng. Không cần phải đợi đến ngày cuối cùng để con có thể hòa nhập với cuộc sống cùng tăng thân, dưới mái chùa.

Con nhớ nhiều bài học Thày Cô chia sẻ cùng chúng con, nhưng có lẽ những bài học sau là những gì con nhớ nhất.



  1. Bài học về hơi thở đầu đời: thật xin lỗi vì con đã quên mất tên sư cô. Sư Cô kể cho chúng con nghe về sự sợ hãi của một người mẹ khi một đứa trẻ chào đời. Người mẹ không sợ đau, không sợ cơ thể mình xấu xí, … bởi lẽ đó là điều tất lẽ dĩ ngẫu. Điều người mẹ trông chờ nhất và lo lắng nhất là tiếng khóc của đứa trẻ khi đó. Sao chưa thấy nó khóc nhỉ? … khi nó nằm trong bụng, mẹ ăn cho nó, mẹ thở cho nó, mẹ thương nó. Đến khi rời khỏi cơ thể mẹ, bài học đầu tiên của nó, là làm sao để tập thở hơi đầu tiên, nếu thở được bé sẽ khóc giống lên, và đó là khi sự sống bắt đầu. Đó là tiếng khóc chứa chan của sự hạnh phúc. Hạnh phúc cho tất thảy mọi người, bé thở được thì coi như “nguy kịch” đã qua rồi.

    Sau này trong cuộc đời, chúng con lớn lên, sẽ có những khi đau bệnh, trái gió trở trời, những vấp ngã trong cuộc sống, chúng con cũng cần nhớ về bài học đầu đời đó và tập lại. Thở! Thở đi con, chuyện đâu còn đó.


  1. Bài học về chuyển hóa cơn giận


    Qua giờ pháp đàm cùng nhau, Thày Pháp Dũng đã giúp chúng con chuyển dịch góc nhìn sang một phương diện khác. Đến với khóa tu, con không ngại thành thật với Thày và các bạn, có những khi con thấy mình đã sống không vui vẻ, bình an cùng mọi người nên khi nghe đến một khóa tu có tên “Sống chung an lạc”, con rất muốn được ghi tên mình vào danh sách thiền sinh tham dự, con muốn được học cách thay đổi chính mình. Thay vì trả lời trực tiếp, Thày chia sẻ với chúng con câu chuyện về một anh CEO nọ, anh ấy giận người giám đốc phân xưởng vì đã không giữ phân xưởng được sạch sẽ, đã la mắng lớn tiếng trước mặt nhiều người. Anh CEO sau đó đã rất ân hận, có nói với Thày nếu cứ tiếp tục như thế có thể anh sẽ phải đóng cửa công ty… Sau khi khai vấn với Thày, anh có chia sẻ, ở nhà anh buồn lòng cậu con trai nhiều. Anh buồn lòng vì vợ chồng anh đã khó nhọc xây dựng nên những business thành công, nhưng nó không đi theo, không nối nghiệp ba mẹ, mà quyết định đi theo con đường nghệ thuật của riêng mình. Mỗi khi anh đến thăm, thấy nhà cửa nó bừa bộn, anh lại khó chịu và la mắng. Anh mang tập khí đó của bản thân để áp đặt lên những nhân viên của mình. Có những khi mình giận một ai đó, một sự việc gì đó, mình cần phải quán chiếu lại tâm mình, xem thực sự là mình đang giận điều gì, và gọi tên chính xác nó, đó là một cách tu và sửa mình. Thày cũng chia sẻ với chúng con, khi mới bắt đầu sự nghiệp tu tập, Thày thường đưa ra nhiều ý kiến cá nhân, trái chiều với những vị Thày lớn, câu hỏi thường trực luôn là “Tại sao phải làm thế nhỉ, mình có cách khác hay hơn mà”. Về sau nhìn lại, Thày biết khi còn ở với gia đình huyết thống, Thày hay có những tranh luận với mẹ, nên tập tính đó cũng đi theo Thày sau này, cho đến khi Thày hiểu ra. … Thày ơi, con đã tỏ tường rồi ạ. Con đã hiểu thật thấu đáo những góc nhìn Thày chia sẻ, nút thắt trong con đã được tháo gỡ ngay trong giây phút ấy, tại thiền đường ngày hôm ấy. Con đã an lạc trong tâm hồn, với những hơi thở chánh niệm ấm áp trong con. Con biết ơn Thày.

  2. Bài học về sự lắng nghe, quay về với hơi thở, và yêu thương. Làm sao để con có thể diễn đạt hết những điều này qua ngôn từ đây Thày ơi. 500 người chúng con được yểm trợ trong 20 gia đình pháp đàm, ai cũng có cho mình một Thày/Cô đáng kính, chúng con cũng có Thày của chúng con. Giờ học pháp đàm, cho con học về những câu chuyện của các bạn, để hiểu hơn những vị Bụt tương lai đang ngồi trước mặt con, những niềm vui, khó khăn của các bạn. Con biết ơn các bạn đồng tu về những câu chuyện của họ, con tin là khi đã dám thành thật với những cảm xúc và chia sẻ những khổ đau của mình, các bạn đã vơi đi nhiều những chất chứa trong lòng. Cảm ơn Thày đã tạo ra một môi trường đủ gần và an toàn cho tất thảy chúng con. "A good teacher makes their students feel safe." Khi lắng nghe các bạn với tất cả trái tim mình, đôi khi lòng chúng con cũng dâng lên nhiều sự xúc động. Thày không khi nào phản hồi ngay, luôn là “giờ Thày sẽ gõ một tiếng chuông nhé, chúng ta sẽ cùng nhau thở, cho mình và cho bạn”. Ôi, một hơi thở mà thương thật thương. Con tin mình đã cảm và học được nhiều điều sau những giờ pháp đàm, đó cũng là những cách mình có thể áp dụng trong những cuộc họp, trò chuyện, giao tiếp trong cuộc sống sau khi trở về. Lắng nghe thật chân thành như nó là, kiểm soát thân tâm, chia sẻ những ái ngữ cùng nhau khi cảm xúc đã lắng xuống. Cảm ơn Thày Cô vì đã giúp chúng con nâng cấp dung lượng trái tim mình, mênh mông hơn, để có thể ôm ấp mình và ôm ấp người. Con thấy mình như một con ốc nhỏ sống giữa dòng sông, nhưng có cả một dòng sông chảy tràn trong lòng con ốc nhỏ.

  3. Bài học về tự tiếp nối Thày Cô dạy chúng con về sự tiếp nối, mỗi chúng con là sự nối tiếp của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thày cô con. Con đã nghe khái niệm đó nhiều lần, có những khi con muốn chối từ sự tiếp diễn đó, … trong những ngày vô minh con đã nghĩ như vậy. Và giờ đây khi có thời gian ngồi thật im, quán chiếu lại, con nhận ra

    1. Sự lãng mạn trong con được trao truyền từ ai, tình thương cộng đồng là từ ai, không phải là ba con đã luôn hết lòng giúp đỡ người khác khi ông còn khỏe đó sao.

    2. Sự chi tiết, vun vén cho gia đình từ ai, từ bà, từ mẹ. Những người phụ nữ đã hết lòng vì sự hưng thịnh của gia đình.

    3. Và cả sự nóng vội trong con, … con biết ơn tất cả sự trao truyền đó, cả những hạt giống tốt đẹp và những hạt mầm chưa tốt. Khi đã nhận ra rồi, con biết mình phải làm gì. Nhiệm vụ này con xin nhận lấy, sự chuyển hóa này con sẽ làm trọn, xin ba mẹ an lòng.

  4. Bài học ăn trong chánh niệm Tiến về Trai Đường, trước khi dùng bữa, khi được nghe tiếng chuông, chúng con cúi lạy Đức Bụt, cảm ơn các vị vì đã cho chúng con có được thức ăn để dùng, chúng con xin được ăn trong chánh niệm. Chúng con đã ăn thật chậm, nhai thật kĩ, không trò chuyện,… giúp chúng con nhận ra củ, rau, nấm ngon thiệt ngon, thơm thiệt thơm, mềm thiệt mềm, và thiệt nhiều tình thương. Những bữa cơm cùng nhau trong 2 ngày cuối của khóa tu đã khiến con xúc động nhiều. Xúc động với những thức ăn mình được nếm, sao nó quá nhiều sự ngon lành vậy. Và giờ đây, khi trở về, con thực tập ăn trong chánh niệm trong hầu hết các bữa của mình, ngọt ngào quá đỗi.

  5. Những bài học từ cuốn sách Ân Tình của Thày Pháp Nguyện Con đã đọc như chưa khi nào muốn dừng lại, mà cũng sợ sẽ hết mất. Thày Cô có thể mỗi tháng xuất bản một cuốn cho đại chúng, cho chúng con được không ạ. … Pháp Nguyện ơi, con có biết tại sao mẹ nghe lời con không? Vì mẹ rất thương con. … Pháp Nguyện ơi, kiếp này mình đã có duyên làm mẹ con, vậy mình lại gieo duyên kiếp sau làm mẹ con tiếp nhé. … Làm con của mẹ là điều tuyệt vời nhất, nhưng cũng có nhiều hệ lụy lắm. Mẹ ơi, mình gieo duyên kiếp sau xin làm bạn đồng tu mẹ nhé. Đọc sách của Thày con thấy những cánh diều thong dong giữa những cánh đồng lúa chín thơm. Thấy những con sông uốn lượn hiền hòa ôm lấy mảnh đất làng quê như cách mẹ đã yêu và thương Thày suốt cả thời niên thiếu, cũng như sau này, cho đến lúc Bà phải ra đi. Chúng con, mỗi đứa đã mỗi phương, nhưng những bài học của Thày Cô sẽ luôn còn mãi. Chúng con mong đến ngày được trở về nhà, cùng Thày Cô, cùng tăng thân của mình. Thày Cô ơi, sau khóa tu con đã ước mong và phát nguyện thật nhiều, nhưng xin được giữ lại những điều đó cho riêng mình. Con mong sẽ được chia sẻ những điều đó với Thày Cô vào một ngày sớm… Có một lời hẹn cho mùa thương năm sau gặp lại, và chúng con sẽ nhớ. Con,

    Nguyên Tịnh Từ Sen búp xin tặng Người

    Một vị Bụt tương lai 💛

Commentaires


Warm Regards from Giang Nguyen

bottom of page