top of page
  • Writer's picturePea

Compelling Product Vision - Bước đầu xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm

Updated: Sep 4, 2021

Mình mong là bài viết này đủ dễ hiểu và gần gũi cho tất cả mọi người. Trong bài viết, có những khái niệm mình chưa biết dịch ra sao nên sẽ đưa ra chú thích trước ở đây. Product Owner: được hiểu là chủ sở hữu sản phẩm. Trong đội ngũ phát triển phần mềm, Product Owner là người có định hướng business, họ cũng là người quyết định cuối cùng cho những tính năng của sản phẩm, ưu tiên triển khai những tính năng nào trước, tính năng nào sau. Team: trong bài viết này mình muốn nói đến đội ngũ phát triển sản phẩm. Trong một Scrum team, sẽ có một Product Owner, một Scrum Master, và các Developers. Product Vision: tầm nhìn sản phẩm. Item: trong bài viết này, item được hiểu là một yêu cầu từ phía stakeholders. Stakeholders: là những bên có ảnh hưởng/tác động đến sản phẩm của bạn. Ví dụ, bạn làm một sản phẩm về môi trường thì stakeholders có thể là Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, Công ty cây xanh, etc. Product Backlog: là một danh sách các yêu cầu bạn nhận từ phía stakeholders, tuy nhiên không phải yêu cầu nào cũng sẽ được đưa vào Product Backlog, các yêu cầu cần được "tinh gọn" lại theo ngôn ngữ kĩ thuật. B2C: Business to Customer, doanh nghiệp tới khách hàng.

B2B: Business to Business, doanh nghiệp tới doanh nghiệp. Copycat: bắt chước, sao chép. Template: mẫu sẵn có. Product category: danh mục sản phẩm. Pain Point: một vấn đề, một điểm khó khăn mà bạn hay khách hàng gặp phải. Research: tìm hiểu, nghiên cứu Product Vision Board: bảng tầm nhìn sản phẩm ^^ --------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- Để bắt đầu với bài viết, mình có một câu hỏi như sau, trong vai trò một Product Owner, sau khi bàn bạc và nhận yêu cầu từ khách hàng cho một sản phẩm mới, bạn thường sẽ làm gì sau đó? Chắc hẳn, bạn sẽ cần dành ra cả buổi để tìm kiếm thông tin, viết ra những kế hoạch chiến lược cho sản phẩm mà bạn và cả team sẽ làm trong thời gian tới. Nói cụ thể hơn, mình đoán là bạn sẽ viết ra tầm nhìn cho sản phẩm - Product Vision và xác nhận lại với khách hàng, đúng không? Khi có được Product Vision rồi, các items trong Product Backlog sau đó sẽ được thực hiện sao cho phù hợp với Vision mà bạn đưa ra. Ví dụ như, bạn muốn xây dựng một ứng dụng di động cho hệ thống bán hàng, đối tượng bạn đang nhắm tới là B2C thì sau đó bạn không nên tạo ra và ưu tiên nững tính năng cho B2B, nó sẽ đi ngược lại với Product Vision ban đầu của bạn, đồng thời gây ra sự khó hiểu cho cả team. Trong một quy trình phát triển sản phẩm, Product Vision nên được tạo ra càng sớm càng tốt để định hướng cho khách hàng, cho bạn, cũng như cho cả team trong từng bước thực hiện sản phẩm.

Câu hỏi tiếp theo là, vậy thế nào là Product Vision? Nếu tìm kiếm trên Internet, chúng ta sẽ thấy một số khái niệm như sau: Product Vision mô tả mục tiêu của sản phẩm, sản phẩm tạo ra trông sẽ như thế nào, mô tả các “chức năng” mà sản phẩm sẽ có, những vấn đề nào sẽ được giải quyết để thoả mãn nhu cầu khách hàng - người dùng cuối của chúng ta. Đây là những định nghĩa rất phổ quát cho Product Vision, nhưng nó chưa thực sự gợi mở trong việc làm thế nào để đưa ra được Product Vision cho chính sản phẩm của bạn. Như vậy sau khi đọc những định nghĩa đó, bạn có thể tiếp tục trả lời cho các câu hỏi sau.

  • Câu hỏi 1: Đâu là nhóm khách hàng mục tiêu hay người dùng cuối của bạn? Ví dụ, bạn muốn tạo ra một ứng dụng cho học sinh tiểu học, hay bác sĩ, hay người cao tuổi, etc. Bạn cần xác định được họ là ai. Yếu tố này không thể bỏ qua, nó là một phần thông tin của Product Vision, và tất cả những tính năng mà bạn đưa ra sau đó cần thoả mãn được đối tượng khách hàng mục tiêu. Với các nhóm khách hàng khác nhau, lứa tuổi khác nhau, có thể có những yêu cầu khác nhau.

  • Câu hỏi 2: Hãy nghĩ về sản phẩm của bạn, những nhu cầu nào là thiết thực, những tính năng nào sẽ được tạo ra cho khách hàng, người dùng cuối của bạn? Câu hỏi này sẽ trả lời cho mục tiêu chức năng của sản phẩm. Ví dụ như ứng dụng của bạn giúp các bạn trẻ hẹn hò, hay như Mark ZucKerberg muốn tạo ra một sản phẩm với mục tiêu ban đầu đơn thuần để kết nối mọi người, etc.

  • Câu hỏi 3: Sản phẩm sắp tới của bạn so với những sản phẩm tương tự trên thị trường sẽ có gì khác biệt? Bạn trả lời câu hỏi này để làm gì, để có thể đáp ứng được những nhu cầu tương tự và cải tiến, bổ sung cho cho sản phẩm của bạn một cách phù hợp. Tại sao lại là phù hợp? Có bao giờ bạn sử dụng dịch vụ của người khác, rồi nhìn ra rất nhiều những điều chưa hợp mắt không? Ừ tốt, bạn ghi lại đi, giờ là lúc dựa vào đó để cải tiến cho sản phẩm của bạn. Nhưng, khi bắt tay vào làm rồi, bạn đôi khi sẽ nhận ra là, để cải tiến những "pain points" đó không đơn giản như chúng ta nghĩ, hoặc là nó quá phức tạp, giá thành để cải tiến quá cao, nên có thể không phải họ không thấy, mà họ chưa thể làm gì để cải tiến hay đang tạm thời bỏ qua nó. Vậy thì khi làm sản phẩm của bạn, bạn cũng cần cân nhắc những điều đó một cách phù hợp, phù hợp với tài nguyên, tiền bạc, phù hợp với sức người.

Như vậy, sau khi trả lời ba câu hỏi này, bạn đã bắt đầu tiếp cận sản phẩm của mình một cách cụ thể hơn, với mục đích xây dựng được sản phẩm đáp ứng nhu cầu, giải quyết các vấn đề của khách hàng mục tiêu. Bên cạnh đó cũng tránh bị rơi vào trường hợp “copycat” một số sản phẩm đã có sẵn trên thị trường. Rồi, hiểu được Product Vision là gì rồi, bạn có khi nào tự hỏi, tại sao Product Vision cần được viết ra trước, thay vì bay ngay vào tạo Product Backlog, hay viết User Story các kiểu không? Đầu tiên, Product Vision giúp cho các thành viên trong team làm việc cùng nhau hiệu quả hơn khi họ được chia sẻ với nhau mục tiêu chung của dự án. Tránh trường hợp, bạn hiểu x, đứa khác hiểu x' thì dự án te tua chắc. Thứ hai, Product Vision sẽ cung cấp cho cả team một định hướng chung, hỗ trợ đưa ra những quyết định phù hợp trong quá trình xây dựng sản phẩm. Và cuối cùng, Product Vision cũng sẽ giúp đỡ cho Product Owner - là bạn trong việc cho ra những quyết định sau này. Bạn cần tạo ra những Product Backlog items hay sắp xếp mức độ ưu tiên cho chúng một cách phù hợp. Theo quan điểm của mình thì điều này là rất quan trọng. Từ những trải nghiệm cá nhân trước đây hay từ bạn bè mình, có những khi chúng mình bị phân tâm bởi những yêu cầu “ngẫu nhiên” từ phía stakeholders và đi đến quyết định sai lầm là sẽ ưu tiên thực hiện những yêu cầu đó trước. Nhưng đến cuối cùng, những yêu cầu đó có thể không giúp sản phẩm của bạn thoả mãn với Product Vision đặt ra. Lời khuyên ở đây là, luôn phải nhìn lại Product Vision trước khi sắp xếp mức độ ưu tiên cho một yêu cầu nào đó. Bạn đã bao giờ rơi vào trường hợp như vậy chưa? Rồi, chúng ta đã đi qua những thứ hết sức lý thuyết về Product Vision. Tiếp theo, trong bài viết này mình sẽ đưa ra hai templates giúp bạn khởi tạo Product Vision một cách dễ dàng. Rất có thể, bạn đã biết đến nó. Không sao, vậy thì ngồi dò xem mình có viết sai chỗ nào rồi góp ý cho mình nha.

For (target customer)

Who (statement of need or opportunity)

The (product name) is a (product category)

That (key benefit, reason to buy)

Unlike (primary competitive alternative)

Our product (statement of primary differentiation)

Để hoàn thành template này, bạn cần điền vào dòng đầu tiên nhóm đối tượng mục tiêu của bạn là ai, y bác sĩ, tù nhân, người nông dân, … bất kì nhóm nào bạn hướng tới cho sản phẩm của bạn. Dòng thứ hai, bạn cần điền những yêu cầu cụ thể hơn. Ví dụ như, những người nông dân đang tìm đối tác bán hàng nông sản toàn cầu, những người đang tìm kiếm một dịch vụ khám chữa bệnh từ xa. Dòng thứ ba, tên sản phẩm của bạn là gì. Hãy có một cái tên cho sản phẩm của bạn các sớm càng tốt, nếu bạn không muốn một lúc quản lý nhiều sản phẩm và gọi tên cái lọ nhầm sang cái chai! Bạn đã bao giờ bị như vậy chưa? Thêm một lưu ý nữa là khi nói chuyện với stakeholders thì làm ơn đủ tỉnh táo để biết mình đang nói về sản phẩm nào. Mình thật, không đùa! Tiếp theo, cũng trong dòng thứ ba này, hãy liệt kê ra Product category bao gồm những gì (ví dụ như trong lĩnh vực phẩm mềm, nó có thể là mobile app, mobile web, web app). Ở dòng thứ tư, bạn hãy viết ra những chức năng chính cho sản phẩm của bạn. Ở dòng thứ năm bạn cần làm một chút research để hiểu về những sản phẩm tương tự đã tồn tại trên thị trường và ghi ra sản phẩm của bạn sẽ không giống với những sản phẩm nào hay không giống ở những tính năng nào. Và cuối cùng, ở dòng thứ sáu, hãy chỉ ra nó có gì khác biệt với những sản phẩm trước đó. Trông có mấy dòng như vậy thôi, nhưng mình tin là bạn cũng cần một khoảng thời gian "đủ" để tìm kiếm, phân tích, có thể là thảo luận thêm với các stakeholders rồi mới viết ra được, những bước đầu tiên với Product tuy sơ khai nhưng lại rất quan trọng, nó quyết định hướng đi cho sản phẩm, nó cũng tránh để bạn và cả team đi lạc đường về sau. Sau khi điền xong template này, bạn sẽ có được cái nhìn rõ ràng hơn về sản phẩm bạn muốn làm, bạn cũng có thể mường tượng được sản phẩm trông sẽ như thế nào sau khi hoàn thành. Ở đây, mình có đưa ra một ví dụ, mục tiêu sản phẩm của mình là xây dựng một ứng dụng di động “Sprechen zusammen” cho phép những sinh viên ở Đức tìm bạn bè, giao lưu kết bạn bốn phương. Mình sẽ viết ra Vision cho sản phẩm như sau:

For

student

Who

stays in Germany

App "Sprechen zusammen"

Is a: mobile app

That

enables students to connect with a different one

Unlike

existed solution that select a partner randomly

Our product

will be used the latest AI technology to find out a perfect match.

Một ví dụ đơn giản để bạn dễ hình dung thôi. Mình mong là template này sẽ giúp bạn dễ dàng thực hiện và nhớ viết Product Vision thật sớm nhé. Một template khác, mình muốn giới thiệu đến bạn là Product Vision Board.

Hãy nghĩ về những cuộc trao đổi với stakeholders, những buổi họp, những emails qua lại giữa bạn và họ, tại sao bạn lại muốn xây dựng sản phẩm này? Trong template này, bạn hãy viết nó nào dòng đầu tiên. Tiếp theo bạn có bốn cột để viết ra một cách chi tiết hơn Vision cho sản phẩm của bạn. Ai sẽ là khách hàng mục tiêu? Nhu cầu hay vấn đề của người dùng là gì? Bạn đặt ra những tiêu chí nào cho sản phẩm? Một số mục tiêu kinh doanh bạn muốn đề ra. Ví dụ như bạn muốn có được một triệu người dùng sau năm đầu tiên, năm thứ hai ứng dụng của bạn sẽ xuất hiện trên khắp thế giới, lợi nhuận thu về là Y sau năm đầu tiên, hãy viết ra, cụ thể nhưng thật ngắn gọn nha. Ở đây, mình có sưu tầm một board, họ đưa ra Vision cho một sản phẩm giúp đỡ team trong việc tìm ra một khung thời gian họp hợp lý.

Ừm, chỉ có vậy thôi, đó là những gì chúng mình cần để có thể hiểu Product Vision ở góc độ cơ bản nhất. Trên thực tế thì, các bạn hoàn toàn có thể thêm các thông tin khác cho Product Vision của bạn, để giúp cho đội ngũ phát triển sản phẩm và cũng như các stakeholders hiểu rõ hơn về những gì chúng ta mong đợi. Mình chúc cho các dự án của bạn, và của cả mình nữa sẽ đi thật xa và có được sự đón nhận từ phía khách hàng, cũng như từ đông đảo người dùng. Love. P/S: Có một video rất đáng để mọi người tham khảo https://www.youtube.com/watch?v=fW-zCm1Ig3Y

Recent Posts

See All

Starting with Natural Language Processing

Most the take notes from the source: https://pythonprogramming.net/ Here is a course which including 21 lessons. 1. Tokenizing words and sentences with NLTK (https://pythonprogramming.net/tokenizing-w

Named Entity Recognition on Noisy Social Media Texts

1. Context Named Entity Recognition (NER) aims at identifying different types of entities, such as people names, companies, location, etc., within a given text. For example, in “Going to San Diego”, “

bottom of page